MUSIC & FILM >
Film Anhlevan
La Grande Vadrouille 1966 (Cuộc tản bộ vĩ đại)
đăng 01:46, 30 thg 10, 2020 bởi Anh Levan [ cập nhật 08:39, 6 thg 2, 2021 bởi Anh Levan ]
Cuộc Tản Bộ Vĩ Đại - La Grande Vadrouille (1966)

The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh)
đăng 01:44, 30 thg 10, 2020 bởi Anh Levan [ cập nhật 08:38, 6 thg 2, 2021 bởi Anh Levan ]
'Cậu bé rừng xanh' - phim hè mãn nhãn và khốc liệt của Disney

The Jungle Book là phiên bản người đóng, dựng lại tác phẩm hoạt hình kinh điển ra mắt năm 1967 của hãng Walt Disney. Cả hai phim trích từ phần đầu bộ truyện đồ sộ dành cho thiếu nhi - Sách rừng (1894) - của nhà văn giành giải Nobel Rudyard Kipling. Trong khi phim hoạt hình cũ hồn nhiên và đậm chất phim ca nhạc, phim mới mang phong cách bạo liệt của thể loại hành động.
Tác phẩm do đạo diễn Jon Favreau thực hiện có ngân sách 175 triệu USD và tỏ rõ tham vọng lôi cuốn người xem bằng hình ảnh. Từ đầu tới cuối, phim phô diễn hàng loạt khung hình gây choáng ngợp về thị giác. Bước vào phim, người xem lạc vào giữa khu rừng nguyên sơ với những cây cổ thụ mọc đầy bên thác nước. Trong thế giới hoang sơ và thiêng liêng, các loài động vật như báo đen, gấu, cọp, sói, voi đi lại, hội họp bàn bạc và đánh nhau đầy sống động.
Hình ảnh trong phim được làm chân thực, khiến nhiều người xem không hay biết rừng già, thác nước, suối trong và mọi loài động vật đều được dựng bằng công nghệ vi tính và được phóng tác dựa trên các mô hình đồ họa, mẫu rối.
Cốt truyện phim chặt chẽ khi kể về một cậu bé mồ côi tên Mowgli (Neel Sethi) bị thả lại trong rừng sâu và được một bầy sói nuôi lớn. Một ngày, con cọp bạo chúa khét tiếng khắp rừng - Shere Khan - đòi ăn thịt Mowgli khiến cậu bé phải lên đường trở về với ngôi làng con người. Không chỉ đối thoại với nhau, các loài vật còn đối đáp, tâm sự rất tự nhiên và giàu cảm xúc với cậu bé 10 tuổi.
Thay vì nhấn vào các màn ca nhạc hài hước, trong trẻo và vui tươi, phim mới chú trọng vào việc xây dựng các pha hành động kịch tính. Nửa cuối câu chuyện được xử lý bạo tay, khắc nghiệt hơn hẳn phim hoạt hình cũ để tạo kịch tính. Những cảnh hành động được dựng dồn dập, quay linh hoạt bằng nhiều góc máy gợi lại những pha chiến đấu của Người Sắt trong bom tấn Iron Man. Dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Jon Favreau, rừng già trong phim mới là nơi thiêng liêng, âm u và nhiều cạm bẫy rình rập hơn bối cảnh bồng lai tiên cảnh của phim hoạt hình.
The Jungle Book thu hút thêm đối tượng khán giả là người lớn. Nhưng cùng lúc, phim phần nào đánh mất sự trong trẻo và hài hước vốn là đặc trưng trong các phim hoạt hình dành riêng cho thiếu nhi của Disney.
Mowgli vốn là nhân vật nổi tiếng nhất từ bộ truyện gốc của Rudyard Kipling. Trong Sách rừng, cuộc đời Mowgli được kể từ khi còn là cậu bé tới lúc trưởng thành và về với con người, cưới vợ sống hòa hợp giữa cả người và bầy muông thú. Cũng ở tiểu thuyết gốc, đoạn đời về thời thơ ấu của Mowgli mô tả em là cậu bé hồn nhiên, chỉ muốn rong chơi với thiên nhiên trong rừng xanh. Trong phim mới, Mowgli già dặn trước tuổi, biết thù hận và gánh vác trọng trách người hùng cứu thế giới muông thú.
Để vào vai Mowgli, Neel Seth vượt qua hơn 10.000 ứng viên khác. Gương mặt sáng toát ra vẻ hồn hậu cùng đôi mắt nhiều biểu cảm của diễn viên nhí gốc Ấn Độ chiếm thiện cảm với người xem từ lần đầu tiên em xuất hiện trên hình. Diễn xuất của Neel Seth tỏa sáng nhất trong nhiều pha hành động khi em bộc lộ rõ lòng can đảm hoặc trí thông minh của nhân vật khi đối đầu với các loài thú dữ. Tuy nhiên, ở một số cảnh như lúc ca hát với gấu béo trên suối, nam diễn viên nhí không thực sự nhập vai hoàn toàn mà có phần gượng gạo.
Dàn sao lồng tiếng cũng góp giọng làm nổi bật tính cách các nhân vật động vật. Giọng khàn và dày của minh tinh Scarlett Johannson giúp nhân vật trăn khổng lồ Kaa ma mị, quyến rũ và nguy hiểm hơn trong hoạt hình. Giọng ấm và chắc khỏe của Ben Kingsley giúp người xem hiểu thêm tính cách nghiêm khắc của nhân vật báo đen Bagheera. Giọng hài hước vui tươi của Bill Murray làm ra chất của nhân vật bác gấu lười Baloo chuyên rong chơi, kiếm mật và hát ca. Ngược lại, giọng đanh sắc của tài tử da màu - Idris Elba - tạo cho nhân vật cọp Shere Khan thêm chất đáng sợ.
Tái diễn những giai điệu của 104 nhạc cụ dân tộc Ấn Độ như sáo gỗ, trống, violin, nhạc phim làm thỏa mãn khán giả khi tạo ra không gian rừng già châu Á sinh động. Tuy nhiên, hoạt cảnh nhảy múa kinh điển trên nền ca khúc The Bare Necessities (lấy từ tác phẩm hoạt hình năm 1967 và mô tả cuộc sống vô tư của bác gấu lười) không ăn khớp nhuần nhị với không khí phim phiêu lưu mới. Ngoài những trường đoạn kịch tính và thế giới sống động ở rừng sâu, phim hơi rườm rà ở các cảnh đối đáp và thể hiện tâm lý.
Black gold (Vàng đen)
đăng 01:41, 30 thg 10, 2020 bởi Anh Levan [ cập nhật 08:41, 6 thg 2, 2021 bởi Anh Levan ]
Bộ phim Vàng Đen:

Lấy bối cảnh các tiểu vương quốc Ả Rập những năm 1930, khi cơn sốt dầu mỏ chuẩn bị diễn ra và tập trung kể câu chuyện về một hoàng tử Ả Rập trẻ tuổi phải xoay xở với mối quan hệ giữa người cha bảo thủ và người cha vợ hiện đại, nổi loạn.
Diễn biến của cuộc tình đó và Những cảnh tranh giành diễn ra như thế nào?
Diễn biến của cuộc tình đó và Những cảnh tranh giành diễn ra như thế nào?
12 Years a Slave (12 năm nô lệ)
đăng 01:39, 30 thg 10, 2020 bởi Anh Levan [ cập nhật 09:00, 6 thg 2, 2021 bởi Anh Levan ]
‘12 Years a Slave’ - phim hay nhất về đề tài nô lệ

Giàu sức ám ảnh và chân thực, bộ phim của đạo diễn Steve McQueen kể lại một cách không khoan nhượng về một trong những chương đen tối nhất lịch sử nước Mỹ.
Trong lịch sử điện ảnh Mỹ, từng có không ít bộ phim đề cập tới nạn nô lệ - thứ từng được coi là hợp pháp trong khoảng từ thế kỷ thứ 17 tới 19. Từ kinh điển như Gone With The Wind (1939) cho tới hai bộ phim được đề cử Oscar năm ngoái là Lincoln và Django Unchained, chủ đề nhạy cảm này đã được nhắc tới không ít.
Tuy nhiên, không tác phẩm nào có cái nhìn trực diện, không che đậy hay biện minh mà chỉ đem tới một sự thực trần trụi như 12 Years A Slave. Bộ phim của đạo diễn Steve McQueen là câu chuyện đầy xót xa của những con người bất hạnh không may sinh ra trong thời kỳ đen tối của lịch sử nước Mỹ.
Câu chuyện chấn động về nạn nô lệ
Câu chuyện được mở đầu vào năm 1841, với nhân vật chính là nghệ sĩ vĩ cầm Solomon Northup (Chiwetel Ejiofor) - một người da màu tự do có gia đình hạnh phúc cùng vợ và hai con tại New York. Một ngày nọ, anh được hai người đàn ông da trắng tiếp cận và đề nghị tham gia cùng họ để chơi nhạc với mức lương hậu hĩnh. Solomon vui vẻ nhận lời mà không hay rằng đó chính là khởi đầu cho những năm tháng khổ sở nhất cuộc đời anh.
Sau một đêm ngồi uống rượu cùng hai gã đàn ông, Solomon tỉnh dậy trong một căn phòng phủ đầy rơm rạ còn chân tay bị xiềng xích. Đến lúc bấy giờ, anh mới hiểu rằng mình đã bị chuốc rượu đến mê man để những kẻ nhẫn tâm kia có thể bán anh đi làm nô lệ. Đối diện với những kẻ giam giữ mình, Solomon khẳng định mình là một người tự do song những gì anh nhận lại được là một trận đòn thừa sống thiếu chết.
Cùng với những người da màu khác, Solomon được đưa tới New Orleans để bị đem bán như một món hàng. Chứng kiến những người đồng hành bị đối xử tệ hại và một người phụ nữ thậm chí còn bị tách khỏi những đứa con cô dứt ruột đẻ ra, Solomon hiểu rằng không có tương lai nào tươi sáng chờ đợi anh phía trước. Muốn tồn tại, anh phải hoàn toàn quên đi quá khứ với cái tên Solomon và chấp nhận thân phận mới là người nô lệ Platt do tên buôn người đặt cho. Hành trình đọa đày kéo dài 12 năm ròng của anh bắt đầu khi được bán cho quý ông Ford.
12 năm nô lệ - tên phim đã nói trước cho khán giả rằng cuộc đời khổ sai của Solomon rồi cũng sẽ có lúc kết thúc. Nhưng những biến cố xảy ra trong suốt hơn hai tiếng đồng hồ khiến nhiều lúc người xem tự hỏi liệu đó có phải sự thật. Trong quãng thời gian ấy, Solomon đã gặp được những người tốt như người chủ đầu Ford, gã lãng du Bass (Brad Pitt) người Canada, cô nô lệ trẻ tuổi Patsey (Lupita Nyong'O)... nhưng số phận cũng khiến anh phải gặp và chịu sự hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác từ những “ông chủ” như gã cai đồn điền hống hách Tibeats (Paul Dano) hay người chủ thứ hai đặc biệt tàn ác Edwin Epps (Michael Fassbender).
Những cuộc gặp gỡ ấy tạo nên hành trình giàu cảm xúc của Solomon Northup - người sống giữa địa ngục trần gian nhưng vẫn không một lần đánh mất lòng tự trọng của một con người tự do.
Một câu chuyện chân thực đến ám ảnh
12 Years A Slave ra đời một cách tình cờ khi nội dung phim được chuyển thể từ cuốn hồi ký xuất bản năm 1853 của Solomon kể về những năm tháng nô lệ. Trong khi đó ở nước Anh, đạo diễn Steve McQueen từ lâu đã ấp ủ dự định làm phim kể về một người đàn ông tự do song bị biến thành nô lệ.
Nhưng ý tưởng của ông vẫn gặp bế tắc và không thể hình thành một kịch bản. Đầy ngẫu nhiên, vợ của McQueen đọc được 12 Years A Slave và giới thiệu ngay cho chồng mình để rồi vị đạo diễn này quá đỗi ấn tượng và quyết định chuyển thể nguyên vẹn cuốn sách.
Ngoài các bộ phim ngắn, 12 Years A Slave mới chỉ là bộ phim truyện thứ ba của đạo diễn sinh năm 1969 và hai tác phẩm trước đó đều là những câu chuyện giàu sức ám ảnh. Ra đời năm 2008, Hunger khai thác đề tài về những tù nhân tuyệt thực trong khi bộ phim sau đó là Shame lại có nhân vật trung tâm là một gã đàn ông nghiện tình dục đến cực độ.
Nhưng cả hai bộ phim ấy đều chưa thể nhạy cảm bằng 12 Years A Slave, khi bộ phim đoạt giải Quả Cầu Vàng 2014 cho “Phim tâm lý / chính kịch hay nhất” này dũng cảm kể lại một cách không khoan nhượng trang sử nhơ nhuốc của Mỹ mà nhiều người ước chưa từng xảy ra. Giống như cách Schindler's List từng lên án những tội ác vô nhân tính của Phát-xít Đức, cách tái hiện lịch sử của 12 Years A Slave rất xót xa nhưng là cần thiết.
Năm 2012, tác phẩm Django Unchained từng gây tiếng vang với nội dung về người nô lệ Django đứng lên chống lại những chủ nô người da trắng. Nhưng bộ phim của đạo diễn người Mỹ Quentin Tarantino vẫn thiên về yếu tố giải trí và mang phong cách hài hước hóa đặc trưng của ông, khác với cách nhà làm phim người Anh Steve McQueen áp dụng trong 12 Years A Slave. Chẳng hề khoan nhượng, vị đạo diễn da màu này kể lại nỗi thống khổ mà những người da đen sống tại Mỹ từng phải trải qua hai thế kỷ trước một cách chân thực, để trái tim khán giả cũng nhói đau theo số phận những con người bất hạnh ấy.
Ngay từ những cảnh quay đầu tiên, người xem đã thấy đồng cảm cho nhân vật Solomon khi thấy anh bị lừa đem bán và tách xa khỏi gia đình. Tình cảm ấy dần tăng thêm và lan cả sang những người nô lệ da màu khác khi chứng kiến những nỗi khổ mà họ phải chịu đựng. Họ không có quyền phản kháng khi bị miệt thị là “tên nhọ” và bị đối xử còn thua cả một con vật.
Họ phải lao động quần quật từ sớm tinh mơ và đến đêm ngủ cũng không yên, khi chủ nhân vẫn muốn xem họ nhảy múa để tiêu khiển. Họ bị đối xử phân biệt công khai như khi một nô lệ da trắng dù không đạt năng suất yêu cầu vẫn chỉ bị nhắc nhở còn những người da màu sẽ chịu những trận roi quất đến ứa máu.
Như lời một nô lệ nói ở đầu phim: “Hãy làm như mình không hề biết đọc, biết viết nếu như không muốn chết”. Những người nô lệ ấy bị chối bỏ những quyền lợi cơ bản nhất của con người và mặc nhiên bị xem như những kẻ sinh ra để bị sai khiến, đày đọa. Họ không hề được sống mà chỉ tồn tại từ ngày này qua ngày khác trong chốn địa ngục trần gian.
12 Years A Slave đầy những điều trớ trêu khi một bộ phim xuất sắc đến vậy với bối cảnh Mỹ lại do một người Anh thực hiện và ông lại kể về thời kỳ đen tối ấy qua những khuôn hình đẹp đến mê hồn. Miền Nam nước Mỹ trong phim hiện lên đầy trong trẻo và thơ mộng với những cánh đồng tràn ngập nắng.
Trong một mảnh đất đẹp đẽ nhường ấy lại có một cảnh tượng đầy ám ảnh khi Solomon bị thít cổ vào dây thừng và để mặc giữa vùng đất trống trong cái nắng chang chang. Xung quanh anh đầy rẫy những người nô lệ khác nhưng họ đều thản nhiên đi ngang qua như thể anh là kẻ vô hình và làm tiếp những công việc giặt giũ, cuốc đất... hàng ngày.
Mặc cho Solomon phải thoi thóp và giữ chân trên mặt đất, sự giúp đỡ duy nhất mà anh nhận được chỉ là hớp nước từ một cô hầu gái. Những người còn lại quá e sợ đến mức không dám đứng ra cắt dây thừng cho một người giống mình, hay vì những hình phạt dã man như vậy đã trở thành quen thuộc đến mức không có gì phải phản kháng?
Dù câu trả lời có ra sao thì cũng đủ khiến khán giả phải rùng mình và thương xót cho những kiếp người không có tiếng nói trong giai đoạn nô lệ ấy. Cảnh phim trên được Steve McQueen quay một mạch trong khoảng hơn hai phút, để lại ấn tượng sâu sắc khó có thể quên cho những ai từng xem tác phẩm.
Điểm 10 cho dàn diễn viên
Để câu chuyện có thể chân thực đến vậy, không chỉ cần tài năng của McQueen mà một dàn diễn viên xuất sắc là điều không thể thiếu. Với những Chiwetel Ejiofor, Lupita Nyong’O, Michael Fassbender (ba diễn viên được đề cử Oscar năm nay) cùng các tên tuổi khác như Brad Pitt, Benedict Cumbertbatch... 12 Years A Slave có một dàn diễn viên hoàn hảo. Vai diễn Solomon khiến người xem thực sự phải khâm phục trước sự kiên cường, nhẫn nại của anh để rồi vỡ òa cảm xúc vào những cảnh cuối, sau khi đã cùng nhân vật này đồng hành qua biết bao oan khổ.
Với Lupita Nyong’O, thật khó tin nếu biết đây mới là vai diễn điện ảnh đầu tay của cô gái sinh năm 1983 này. Trong vai người hầu gái Patsey, cô làm lay động lòng người với lối diễn tự nhiên và đặc biệt xúc động với trường đoạn đánh thức Solomon giữa đêm khuya để nhờ anh kết liễu mạng sống của mình, khi với cô sống còn tệ hơn là chết. Kẻ gây ra nỗi thống khổ ấy là ông chủ Epps, một gã say rượu, đa nghi và ngạo mạn. Michael Fassbender diễn xuất tốt đến mức có lẽ cả những fan ruột của tài tử này cũng bị ám ảnh trước cảnh Epps sai Solomon quất roi vào thân thể gầy guộc của Patsey.
Mỗi phát roi được vung lên là một lần tim khán giả phải thắt lại và nhói đau ngay cả khi bộ phim đã kết thúc. Câu chuyện của Solomon được kết thúc sau 12 năm nhưng với người da màu sống tại Mỹ, nó lại là một trang sử kéo dài tới gần 250 năm cho tới khi cuộc nội chiến kết thúc. 12 Years A Slave không chỉ là một trong những tác phẩm xuất sắc hàng đầu năm 2013 mà còn giàu sức ám ảnh và đầy quyền lực, như cách nó khiến khán giả xót xa cho những người mang số phận như Solomon.
1-4 of 4